Nước Pháp có thể đau buồn, nhưng tinh thần Pháp không khuất phục. Trong lúc nước Pháp đang trải qua sự tang thương, hãy cùng nhìn lại một họa phẩm nổi tiếng của nền mỹ thuật Pháp, để thấy trong đó trọn vẹn cả tinh thần và vẻ đẹp Pháp.
Vẻ đẹp của “Nữ thần Tự do dẫn dắt người dân”
Trong lịch sử các tác phẩm hội họa kinh điển của nền mỹ thuật Pháp, bức “La Liberté guidant le peuple” (Nữ thần Tự do dẫn dắt người dân) của danh họa Pháp Eugène Delacroix luôn được xem là tác phẩm đắt giá, ghi lại được tinh thần của Cách mạng Pháp.
Bức tranh có kích thước lớn (260 cm × 325 cm) được treo tại bảo tàng Louvre. “Nữ thần Tự do dẫn dắt người dân” là một tác phẩm đầy sức nặng, khắc họa lại một trang sử của nước Pháp.
Trong khi đa phần các tác phẩm hội họa khắc họa lại một câu chuyện lịch sử thường đi theo hướng cụ thể hóa sự kiện, diễn biến, thì bức tranh này lại mang tính khái quát, biểu tượng, trong đó, người ta thấy được tinh thần Pháp, vẻ đẹp Pháp và bà mẹ Pháp – Nữ thần Tự do của người Pháp, nhân vật biểu tượng mà họ gọi bà bằng một cái tên cụ thể – Marianne.
Khi nước Pháp hôm nay phải đối diện với những cuộc khủng bố đẫm máu xảy ra liên tiếp, khiến cả thế giới bàng hoàng, sửng sốt, có thể đâu đó chúng ta bắt gặp sự xuất hiện trở lại của bức tranh mang ý nghĩa biểu tượng này, một bức tranh chứa đựng nhiều thông điệp về nước Pháp.
Bức “Nữ thần Tự do dẫn dắt người dân” khắc họa lại sự kiện Cách mạng Tháng 7 (1830) của nước Pháp, nhưng khi bình luận về bức tranh này, người ta thường nhìn nhận sự kiện như một cái cớ để danh họa Delacroix sáng tác, còn bản thân bức tranh đã vượt ra khỏi ý nghĩa của một sự kiện cụ thể, để vươn lên tầm vóc của một bức tranh khái quát nên những biểu tượng lớn lao của nước Pháp.
Bức tranh của Delacroix khắc họa một bối cảnh hỗn loạn xảy ra trong Cách mạng tháng 7 (1830), cho tới nay, đây vẫn được xem là tác phẩm hội họa thâu tóm tốt nhất tinh thần và cảm nhận về Cách mạng Pháp.
Tinh thần và vẻ đẹp Pháp gói ghém trong hình ảnh người phụ nữ
Trong bức tranh, ấn tượng nhất chính là hình ảnh người phụ nữ – hiện thân của Nữ thần Tự do. Chiếc váy của nàng rơi xuống, để lộ bầu ngực đẹp. Trên một tay, nàng cầm lá cờ tự do ba màu (nay là quốc kỳ Pháp), động tác đầy sức mạnh, nàng như lãng quên tất cả những hỗn loạn xung quanh, sẵn sàng dấn bước. Một tay còn lại, nàng cầm khẩu súng trường sẵn sàng chiến đấu với những kẻ thù của sự tự do.
Cái tài của Delacroix chính là pha trộn được chất thực và ảo trong cùng một bức tranh, để vừa khắc họa lại sự kiện cụ thể vừa khái quát một câu chuyện lớn lao. Delacroix vốn theo trường phái lãng mạn, và ngay cả trong một bức họa dữ dội về đề tài lịch sử, ông vẫn không thể bỏ quên sự lãng mạn đầy chất Pháp. Bằng nét cọ điêu luyện của mình, Delacroix đã không chỉ khắc họa lịch sử mà còn khiến người xem “thưởng thức” lịch sử.
Sự say mê, tính thẩm mỹ, sự lãng mạn được đưa vào một khoảnh khắc lịch sử. Trong tác phẩm của Delacroix, vị Nữ thần Tự do mà người Pháp tôn thờ được khắc họa thật sống động, uy nghi và gợi cảm.
Vì vậy, bức họa của Delacroix đã trở thành tác phẩm đáng kể nhất trong những bức họa sáng tác về đề tài Cách mạng Pháp, cũng là bức họa đáng kể nhất khắc họa nàng Marianne – Nữ thần Tự do của người Pháp.
Delacroix bắt đầu vẽ bức tranh này vào mùa thu năm 1830. Trong một lá thư gửi tới cho người anh trai, khi đang trong quá trình thực hiện bức tranh, Delacroix đã viết: “Tâm trạng ủ dột của em đã tan biến nhờ việc say mê sáng tác. Em đang bắt tay vào một đề tài đương đại – một chướng ngại đấy. Nếu em đã không thể tham gia chiến đấu cho đất nước này, vậy thì ít nhất, em sẽ dùng cây cọ của mình để khắc họa bà ấy”.
Trong lá thư, có thể thấy Delacroix dùng danh xưng “bà ấy”, chính để chỉ nữ nhân vật xuất hiện trong bức họa của ông. Trong tranh, ông khắc họa Nữ thần Tự do của nước Pháp như một biểu tượng thần thánh, nhưng người ta cũng có thể nhìn thấy ở đó một phụ nữ mạnh mẽ của cuộc sống đời thường bình dị, với chân trần và cả… ngực trần, nàng quả quyết bước lên phía trước, như thể sắp bước ra khỏi bức họa để bước vào thế giới của người xem tranh.
Sau này, bức tranh còn được cho là đã gây được tầm ảnh hưởng tới quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo. Trong đó, hình ảnh cậu bé ở bên góc phải bức tranh khiến người ta tin rằng đã truyền cảm hứng cho Victor Hugo sáng tạo nên nhân vật cậu bé lang thang Gavroche (Ga-vơ-rốt).
Nước Pháp có thể đau buồn, nhưng tinh thần Pháp không khuất phục. Ngay cả trong những cuộc chuyển mình trọng đại của lịch sử, người Pháp vẫn không bỏ quên sự lãng mạn và cái Đẹp, tinh thần ấy chỉ có thể gọi là… tinh thần Pháp – đất nước của tình yêu, ánh sáng và nghệ thuật.
ST.