Một số phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỉ

Dưới đây là một số phương pháp Chăm sóc, giáo dục trẻ Tự Kỷ đã và đang được áp dụng nhiều nơi, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và những hạn chế. Việc chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cho phép bố mẹ có thể nghiên cứu và rút ra một số ứng dụng từ phương pháp này hay phương pháp khác, nhằm tìm ra các kỹ thuật phù hợp nhất với tình trạng của con mình. Không nên quá lệ thuộc vào hẳn một phương pháp nào.
1. Phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis – Phân tích hành vi ứng dụng)
Đây là một trong số những phương pháp khá hữu hiệu để dạy trẻ tự kỷ. Do tác giả Ivar Lovaas và các bạn đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển vào những năm 1990. Những kĩ năng đặc biệt được dạy bằng cách chia các hành vi ra thành từng bước nhỏ, dạy một bước trong một thời điểm và củng cố bước đó. Nhiều năm qua, ABA được sử dụng để dạy các cá nhân với những khả năng khác nhau,và có thể được sử dụng trong tất cả lĩnh vực: tự chăm sóc, lời nói và ngôn ngữ, kĩ năng cư xử xã hội.
Các thành phần của mỗi hành vi là:
+ Tiền đề: một đề nghị, yêu cầu được minh hoạ bằng lời nói hoặc động tác cơ thể.
+ Hành vi: đứa trẻ đáp ứng
+ Kết quả: phụ thuộc vào hành vi là gì. Kết qủa có thể bao gồm củng cố cho hành vi tốt, không đáp ứng được hoặc sửa hành vi sai.
Ưu điểm
+ Có kết quả nhất quán khi dạy những kỹ năng và hành vi mới cho trẻ tự kỷ
+ Cách dạy rõ ràng
+ Chia nhiệm vụ thành phần nhỏ, đơn giản.
Khuyết điểm
+ Cần nhiều thì giờ (30-40 giờ/tuần)
+ Ảnh hưởng đến thời gian với gia đình
+ Không giúp trẻ tự kỷ đáp ứng với hoàn cảnh mới
Ví dụ:
+ Người dạy nói: Cháu nhặt bút lên (yêu cầu)
+ Trẻ: làm chính xác (hành vi)
+ Người dạy: vỗ tay (kết qủa)
+ Người dạy: Đưa quả bóng cho mẹ/ cô
+ Trẻ: ném bóng đi
+ Người dạy: Nói với trẻ đó là hành vi sai, và sau đó yêu cầu trẻ đưa lại quả bóng cho mẹ/cô. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi trẻ làm đúng yêu cầu thì người dạy vỗ tay.

 

 

2. Phương pháp TEACCH (Treatment and Education Autistic Children Communication Handicap – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp)
TEACCH là một cách tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp những người bị tự kỷ mà mục tiêu của nó là trang bị cho trẻ một cuộc sống hữu ích trong cộng đồng. Cách tiếp cận này bắt đầu cung cấp các thông tin thị giác, cấu trúc và sự dự đoán vì người ta nhận ra là kênh học tập thuận lợi nhất là thông qua thị giác.
Khi áp dụng cần chú ý những nguyên tắc:
– Môi trường nên thích ứng với trẻ tự kỷ, chứ không phải trẻ tự kỷ thích ứng với môi trường.
– Tập trung vào cá nhân, xây dựng trên những kỹ năng và sở thích có sẵn.
Chương trình bao gồm: đánh giá, kế hoạch giáo dục cá nhân, đào tạo kỹ năng xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, hướng dẫn phụ huynh, tư vấn nhà trường. Cách dạy bao gồm: chương trình, tổ chức phòng lớp và vật liệu, và sự hướng dẫn đơn giản, rõ rệt. Phương pháp này được thiết kế để hoàn chỉnh những kỹ năng giao tiếp, xã hội và xử lý cho trẻ rối nhiễu có những khả năng phát triển khác với chuẩn phát triển ‘bình thường” – bắt đầu ở mức độ trẻ và giúp trẻ phát triển đến mức cao nhất có thể.
Phương pháp có 9 lĩnh vực can thiệp và chia theo từng giai đoạn tuổi từ 1 đến 6:
+ Bắt chước (Imitation).
+ Nhận thức (Perception).
+ Vận động thô (Gross motor).
+ Vận động tinh (Fine Motor).
+ Phối hợp mắt và tay (Eye-hand intergration).
+ Kỹ năng hiểu biết (Cognitive performance).
+ Kỹ năng ngôn ngữ (Verbal performance).
+ Kỹ năng tự lập (Self-help).
+ Kỹ năng bắt chước xã hội (Social performance).
Ưu điểm
+ Cả một chương trình đáp ứng ứng với các nhu cầu của trẻ
+ Trẻ tự kỷ hiểu các yêu cầu và cách Tập trung vào những kỹ năng của trẻ, chứ không chỉ nhìn những khuyết điểm
Khuyết điểm
+ Rất gò bó, tập trung vào những đồ phụ tổ chức (bảng, chương trình)
+ Cần nhiều nhân lực để thực hiện
3. Phương pháp PECS (Pictures Exchange Communication System – Hệ thống giao tiếp trao đổi hình)
PECS là một công cụ tốt giúp trẻ giao tiếp không lời. PECS cho phép trẻ lựa chọn và giao tiếp nhu cầu. khi trẻ có thể giao tiếp và thể hiện nhu cầu của chúng, thông thường các hành vi có thể giảm nhẹ và trẻ trở nên vui vẻ hơn.
PECS có thể được dùng trong nhiều cách khác nhau để giao tiếp. Điển hình PECS là các bức tranh về đồ vật (thức ăn, đồ chơi..) Khi trẻ muốn một trong những thứ đó, trẻ đưa tranh cho đối tượng giao tiếp như bố, mẹ, nhà trị liêụ, người trông nom hoặc đứa trẻ khác. Đối tượng giao tiếp sau đó sẽ đưa cho trẻ đồ chơi hoặc thức ăn để củng cố giao tiếp. Cuối cùng các bức tảnh có thể được thay thế bằng các từ và câu ngắn.
Việc sử dụng PECS là một quá trình kéo dài và phức tạp, trải qua nhiều tháng để hoàn thiện. Đối với cuộc sống hàng ngày với một đứa trẻ không có ngôn ngữ nói và cũng không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, PECS có thể hoàn toàn là một sự trợ giúp cho sự thiếu ‘phương tiện’ giao tiếp.
Ví dụ: Trong giờ học, khi trẻ có nhu cầu đi vệ sinh ta cầm tay trẻ chỉ vào hình có biểu tượng ‘vệ sinh’ và nói ‘vệ sinh’, rồi sau đó người dạy ( Mẹ/Giáo viên) dẫn cháu đi vệ sinh. Nhiều lần như vậy trẻ sẽ tự chỉ vào hình khi có nhu cầu.
4. Phương pháp Floor Time (dựa trên sự phát triển, khác biệt cá nhân, và mối quan hệ/cùng chơi với trẻ)
Phương pháp này do hai bác sĩ tâm thần nhi, Stanley Greenspan và Serena Weider đề ra. Chương trình gồm ba yếu tố: Developmental (Dựa trên sự phát triển); Individual Differences (khác biệt cá nhân); Relationship-based (Dựa trên mối quan hệ)
Chương trình gồm 3 phần:
+ Thời gian dưới sàn (thời gian chủ yếu khi bố mẹ theo sau sự chủ động của con (bố mẹ theo sát con và để trẻ dẫn đi, để trẻ chủ động), cố gắng để xây dựng một hướng của ý muốn và dòng chảy của sự tương tác như là bố bị theo đuổi, bị lôi cuốn và bị ve vãn bởi cảm xúc và năng lượng của mình).
+ Hiểu và can thiệp vào với những nhu cầu khác biệt về giác quan của con bạn (nắm bắt được trẻ tỏ ra khác biệt như thế nào trong cách mà chúng nói và nghe, tiếp nhận thông tin từ giác quan và cảm giác, cách mà chúng nhìn, tìm thấy và tìm kiếm, cách mà chúng dự kiến và tiếp tục hoạt động của chúng đối với người khác hay với đồ chơi).
+ Một phần kết cấu trò chơi (bố mẹ tạo ra cơ hội để chơi và học những cảm xúc nền tảng bằng việc khai thác động cơ thúc đẩy con). Trẻ nên được thấy khả năng để được điều chỉnh và được hứa hẹn (phần thưởng) và giao tiếp mắt trước khi xây dựng những kỹ năng riêng biệt hơn.
Ưu điểm
+ Nhằm phát triển cảm xúc thay vì phát triển trí tuệ
+ Khuyến khích trẻ chủ động tương tác
+ Phụ huynh đóng vai trò chính trong việc trị liệu
Khuyết điểm
+ Không dạy cách học theo yêu cầu của người lớn
+ Hơi khó tương tác ban đầu với trẻ
Ví dụ:
Khi mẹ mang cốc nước đá vào phòng chơi, trẻ với tay một cách bất ngờ đến chiếc cốc thủy tinh (và tất nhiên đầu tiên bạn nghĩ rằng “tại sao mình không dùng một cái cốc nhựa nhỉ?”). Bà mẹ nhận ra rằng trẻ có thể là khát, hoặc bà có thể dạy trẻ về nóng và lạnh, ướt và khô. Bà mẹ có thể lấy nhiều cốc và đổ nước vào mỗi cốc với mức khác nhau để làm thành một bộ nhạc cụ, nhưng nếu bà quan sát thật kỹ, thì cái thúc đẩy trẻ lại là quả chanh nổi trên nước. Một quả chanh chua ngậm trong miệng người mẹ sẽ tạo ra khuôn mặt hài và làm trẻ cười. Chỉ cần bạn theo dõi sự phát triển nhận thức của trẻ đối với những gì chúng thích, những gì kích thích chúng hay trẻ chỉ nhìn đơn thuần, bạn sẽ có cơ sở để tiếp tục.
Điều này, bố mẹ nên vận dụng một phần trong các hoạt động thường xuyên trong gia đình như khi cho trẻ ăn uống.
5. Phương pháp social story (những câu chuyện xã hội – CCXH)
Phương pháp CCXH sử dụng những CCXH làm công cụ để dạy KNXH cho trẻ mắc hội chứng Tự kỷ và trẻ khuyết tật. CCXH là câu chuyện ngắn tập trung vào việc mô tả một chi tiết hoặc một hoạt động nào đó với các điểm chính sau:
+ Những câu nói mang tính xã hội: chào hỏi, xin phép, xin lỗi…
+ Những sự kiện và những tương tác mà cá nhân có thể chờ đợi trong những tình huống đó.

+ Những hành động và những tương tác mà cá nhân nên sử dụng trong tình huống đó.
Nhìn chung, đây là phương pháp được đánh giá cao trong việc hỗ trợ rèn luyện KNXH cho trẻ khuyết tật và đặc biệt là trẻ mắc hội chứng Tự kỉ.
Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một ví dụ minh hoạ do chính tác giả Carol Gray sáng tác:
“Trước khi đi ngủ tôi cần đánh răng. Đánh răng sẽ giúp răng trắng và sạch sẽ. Đầu tiên tôi sẽ đưa bàn chải răng vào miệng. Tiếp theo tôi đánh mặt ngoài của răng. Sau đó tôi đánh mặt sau của răng. Tôi dùng nước để xúc sạch bọt trong miệng. Tôi dùng nước để rửa bàn chải. Cuối cùng tôi cất bàn chải vào lọ đựng. Bố mẹ rất vui vì tôi luôn đánh răng sạch sẽ trước khi đi ngủ.”
CCXH cung cấp cho trẻ những cách tiếp cận gần nhất với các tình huống xã hội.
Bản thân các tình huống xã hội rất phong phú, đa dạng và thường biến đổi linh hoạt. Trẻ bình thường cũng phải học và rèn luyện rất nhiều mới có thể phản ứng phù hợp trước các tình huống xã hội gặp phải. Do đó nếu chỉ được nghe giảng giải, giải thích, khuyên răn…bằng lời trẻ mắc hội chứng Tự kỷ sẽ không hiểu hết được bản chất của vấn đề. CCXH cung cấp cho trẻ mắc hội chứng Tự kỷ những cách tiếp cận gần nhất với các tình huống xã hội nghĩa là CCXH cung cấp cho trẻ những cách tiếp cận với các tình huống xã hội thông qua đoạn chuyện ngắn gọn, đơn giản, đôi khi còn được kết hợp với tranh ảnh thực hoặc qua cả băng video quay các tình huống thực.
CCXH tạo cho trẻ Tự kỷ cơ hội thực hành các kỹ năng một cách thường xuyên.
Những CCXH được xây dựng dựa trên những tình huống xã hội gần gũi, thường nhật mà đứa trẻ thường bối rối, khó chịu khi gặp phải. Do đó, những tình huống xã hội này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn (một giờ, một tiết học, một buổi học, một ngày học, một tuần học…). Đây chính là điều kiện thuận lợi để trẻ có thể thực hành ứng dụng những kỹ năng được học trong CCXH một cách thực tế nhất. Giáo viên cũng qua đó dễ dàng đánh giá được hiệu quả của CCXH đến hành vi, thái độ của trẻ trước tình huống mà trẻ gặp phải.
Có thể thấy phương pháp CCXH đã giải quyết khá triệt để những khó khăn, bối rối, lo lắng của trẻ Tự kỷ trước các tình huống xã hội thường ngày thông qua việc: giải quyết vấn đề khó khăn trong việc hiểu cảm xúc, suy nghĩ, dự định của người khác một cách trực diện; cung cấp thông tin về một số tình huống xã hội theo hình thức cấu trúc cố định; cung cấp cho trẻ những cách tiếp cận gần nhất với các tình huống xã hội; tạo cho trẻ cơ hội thực hành các kỹ năng một cách thường xuyên.
Như vậy, việc sử dụng CCXH vào rèn luyện KNXH cho trẻ mắc hội chứng Tự kỉ đem lại những hiệu quả nhất định đối với sự phát triển ở hiện tại và tương lai của trẻ. Trên thế giới đây là một phương pháp giáo dục trẻ mắc hội chứng Tự kỷ phổ biến. Còn tại Việt Nam việc xây dựng và sử dụng CCXH còn gặp nhiều khó khăn vì bố mẹ chưa quen việc mô tả các hoạt động của mình cho con nghe.
6. Phương pháp SI (Sensory Integration – Hòa nhập cảm giác)
Các giác quan của chúng ta đưa cho chúng ta thông tin mà ta cần để nhân thức thế giới. các giác quan lấy thông tin từ các hiện tượng cả ngồi và trong cơ thể chúng ta. 5 giác quan: nghe, nhìn, nếm, ngửi, sờ, phản ứng với các hiện tượng đến từ bên ngồi cơ thể. Trị liệu phối hợp giác quan là công cụ có giá trị để dạy trẻ làm thế nào để tương tác với môi trường xung quanh.
Trẻ tự kỷ có thể có những phản ứng không đủ hoặc quá nhạy cảm, hoặc thiếu khả năng hòa hợp các giác quan. Vì vậy có một số trẻ tự đập đầu vào tường hoặc quay tròn. Phương pháp hoà nhập cảm giác tập trung vào giúp trẻ bớt nhạy cảm, giúp tổ chức lại thông tin cảm giác
Ví dụ: cho trẻ tập trong phòng phát triển giác quan có các thiết bị như âm nhạc nhẹ, phòng sáng tối để luyện thị giác.
7. Phương pháp OT (Occupatoin Therapy – Hoạt động tri liệu)
OT đưa ra những hỗ trợ cho trẻ tự kỷ mà có khó khăn trong các giác quan, vận động, cơ lực và các kĩ năng thăng bằng.
Bố mẹ nên sử dụng các kỹ thuật massage và cho trẻ chơi trên bạt lò xo, bóng cao su to, bể bơi…tất cả những thứ này được dùng để trẻ trở nên nhận thức hơn về cơ thể mình và có khả năng sử dụng cơ thể trong các cách khác nhau.
Phương pháp này nếu vận dụng tại gia đình, thì bố mẹ nên đưa vào trong các hoạt động như khi tắm cho trẻ (Chơi trong bồn tắm) – Khi cho trẻ chơi trong phòng và khi massage cho trẻ
8. Phương pháp “Trò chơi không định hướng”
Trò chơi không định hướng giống như tương tác và chơi – nói chung không ép buộc, không có cấu trúc và vui vẻ, nó không giống như chơi bình thường bởi vì khi mẹ là người dạy, bà đóng vai trò như một đối tượng chơi tích cực của trẻ. Nhiệm vụ của bà mẹ là theo sự dẫn dắt của trẻ và chơi bất cứ cái gì mà trẻ thích và làm điều này theo cách sao cho khuyến khích trẻ tương tác với mình. Điều này có nghĩa rằng nếu muốn trẻ đẩy xe ô tô, bà sẽ đẩy xe ô tô với trẻ, đưa trẻ xem một cái ô tô đi nhanh. Nếu cần thiết, lấy ô tô đồ chơi của bà đâm vào ô tô của trẻ – làm những gì để tạo nên sự tương tác. Vai trò của bà mẹ là trở thành người giúp có tính xây dựng và khi cần thiết, khiêu khích bằng cách làm bất cứ điều gì để đưa hoạt động của trẻ vào sự tương tác giữa các cá nhân với nhau. Bà có thể mời bố cùng chơi với bà và trẻ trong một số buổi nào đó mà cả gia đình rảnh rang ( như chiều thứ bảy hay chủ nhật).
9. Phương pháp “Trị liệu ngôn ngữ và lời nói”
Trẻ em tự kỷ thường không giao tiếp bằng cách dùng lời nói hoặc bất cứ loại ngôn ngữ nào, ví dụ như tiếp xúc mắt và ngôn ngữ cơ thể. Nếu như một đứa trẻ không muốn giao tiếp, nó sẽ không khám phá ra được khả năng phát âm của mình, học các âm thanh mới hoặc nghe ngôn ngữ nói xung quanh mình. Điều này sẽ dẫn sự chậm phát triển ngôn ngữ và kĩ năng giao tiếp và trẻ sẽ thấy rất khó khăn để thể hiện bản thân mình. Điều này thường dẫn đến sự thất vọng cho trẻ.
Trị liệu ngôn ngữ rất quan trọng trong phát triển chức năng cho trẻ và nó nên được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của tất cả những trẻ có khó khăn về lời nói và ngôn ngữ
Các lĩnh vực cần tập trung như:
– Kỹ năng nghe và chú ý, kĩ năng chơi, kĩ năng xã hội, hiểu xã hội
– Kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ
10. Phương pháp “Trị liệu nước”
Đây là hoạt động trị liệu có ý nghĩa hỗ trợ rất tích cực cho sự phát triển của trẻ tự kỷ. Trị liệu nước giúp trẻ tự kỷ giảm căng thẳng, giảm bớt hành vi không mong muốn, tăng khả năng tương tác và giao tiếp, nước có tác động tích cực đến giác quan của trẻ tự kỷ, tạo ra môi trường an toàn cho trẻ
Chúng ta vận dụng một số biện pháp chơi đùa và một số kỹ thuật massage cho trẻ dưới nước (trong bồn tắm tại gia đình hay trong hồ bơi ngoài xã hội).
11. Phương pháp “Trị liệu bằng âm nhạc, mỹ thuật, động vật”
Giúp tăng triển những kỹ năng giao tiếp bằng cách phát triển tương tác xã hội và giúp trẻ cảm thấy thành công. Trị liệu bằng mỹ thuật và âm nhạc giúp hoà hợp cảm giác, làm kích thích cảm giác, thị giác, và thính giác. Trị liệu mỹ thuật có thể giúp trẻ diễn tả bản thân mình bằng cách không dùng lời nói nhưng sử dụng biểu tượng.
Trị liệu bằng âm nhạc tốt cho sự phát triển lời nói và khả năng nghe hiểu ngôn ngữ: các bài hát được sử dụng để dạy ngôn ngữ và tăng khả năng kết hợp từ. Trị liệu với động vật (cưỡi ngựa, bơi với cá heo) có những ưu điểm thể lý và cảm xúc – tiến bộ khả năng phối hợp vận động, tăng cảm giác an toàn và tự tin.
Ví dụ: Cho trẻ nghe nhạc và vẽ ra tất cả những gì mình thích theo mức độ từ nhạc nhẹ, đến nhạc sôi động.
12. Phương pháp “More than words”
Đây là phương pháp rất phổ biến được áp dụng để nuôi dạy trẻ tự kỷ tại gia đình. Dựa vào sở thích của trẻ mà cha mẹ có thể hiểu 4 giai đoạn giao tiếp của trẻ: tự phát, yêu cầu, giao tiếp sớm và đối tác. Từ đó thiết lập mối quan hệ với trẻ, phát triển khả năng giao tiếp và nhận thức của trẻ.
Phương pháp gồm 12 mục:
+ Học biết thêm về sự giao tiếp của con bạn
+ Đặt mục tiêu bằng cách dùng hiểu biết của bạn về con bạn
+ Theo sư điều khiển của trẻ
+ Cùng chơi luân phiên
+ Nối kết các trò chơi có người
+ Giúp trẻ hiểu những gì bạn nói
+ Dùng công cụ hỗ trợ nhìn
+ R.O.C.K. trong công việc thường quy
(Repeat.Ofer.Cue.Keep- Nhắc Lại.Tạo Cơ Hội. Gợi Ý. Luôn Giữ)
+ Đem sách lên
+ Lấy đồ chơi ra
+ Kết bạn
Công cụ để dạy trẻ là hệ thống tranh ảnh, thông qua kênh thị giác trẻ sẽ tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng. Nguyên tắc của phương pháp này là: Nói ít hơn và nhấn mạnh, chậm rãi, và chỉ vào hình ảnh.
Như vậy, có rất nhiều những phương pháp khác nhau để trị liệu cho trẻ tự kỷ. tuy nhiên không có một phương pháp nào là vạn năng có thể phù hợp cho tất cả trẻ tự kỷ. Tuy có những đặc điểm giống nhau, nhưng mỗi trẻ tự kỷ là độc đáo, có tính nét khác biệt.Trong trị liệu cho trẻ tự kỷ cần có sự kết hợp của những phương pháp khác nhau tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ, đặc điểm, khả năng, nhu cầu của mỗi trẻ. Và bước đầu quan trọng nhất là phải tìm hiểu trẻ (sở thích, thói quen, hành vi, v.v.), đánh giá được mức độ, khả năng của trẻ rồi sau đó mới có thể áp dụng các phương pháp phù hợp.
Tuy nhiên, cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay đầu tư quá nhiều thì giờ, tiền bạc vào các liệu pháp nào vì tất cả cho đến nay, vẩn chưa thể xác định được phương pháp nào là tốt nhất, hiệu quả nhất. Vì như ta đã biết, không thể có một trẻ tự kỷ nào giống với trẻ tự kỷ khác, vì vậy các biện pháp giáo dục cũng cần phải có tính linh hoạt, biến đổi theo sự cân nhắc, sắp xếp của các chuyên gia và gia đình của các em.

 

Phương pháp – Quan điểm của Greenart

PHƯƠNG PHÁP VÀ QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA GREEN ART

Phương pháp giáo dục của GREEN ART là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ.

Không khuôn mẫu, không áp đặt, giáo viên là người định hướng, khuyên khích khơi gợi sáng tạo cho trẻ, hướng học sinh vào hoạt động sáng tạo, chủ động tư duy và phát hiện kiến thức thông qua hoạt động tương tác trong lớp..

+ Sử dụng tối đa sự hỗ trợ các phương tiện hiện đại phục vụ giảng dạy mang tính trực quan nhất.

+ kỹ thuật đặc thù bộ môn được mặc định phát triển trong mỗi bài, dựa trên năng lực từng trẻ.

+ Nhận xét bài tổng kết kiến thức sau mỗi bài, khuyên khích tự đánh giá, không chấm điểm.

QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC SÁNG TẠO

+Trẻ em luôn là trung tâm cần mọi sự quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện phát triển tốt nhất khả năng bản thân, tự tin và vui vẻ đón nhận kiến thức.

+ Giáo viên với tinh thần luôn thân thiện, cởi mở, có kiến thức xã hội rộng khắp các lĩnh vực và kỹ năng chuyên nghành thành thạo.

+ Không lý thuyết hóa bài giảng, trẻ luôn tương tác để hiểu kiến thức và tự phát triển