Tết Trung thu các nước khác nhau như thế nào?

Tết trung thu không chỉ có ở riêng Việt Nam mà còn có ở nhiều quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,… Và ở mỗi quốc gia trung thu lại có những đặc trưng riêng.

Trung Thu là một trong những dịp lễ hội được mong đợi nhất tại Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á. Tuy nhiên phong tục và ý nghĩa của ngày lễ Trung Thu ở mỗi quốc gia lại khác nhau.

Nhật Bản – không ăn bánh nướng, bánh dẻo

Nhật Bản chào đón Tết Trung thu vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm, và người dân Nhật thường gọi là Lễ hội ngắm trăng. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.

Người Nhật Bản ăn Bánh nếp vào Trung thu thay vì bánh nướng, bánh dẻo như Việt Nam

Tuy nhiên, người Nhật lại không ăn bánh nướng, bánh dẻo mà chọn thưởng thức Tsukimi Dango – một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết. Vào lễ hội này, người Nhật thường tổ chức ngắm trăng tại những nơi có thể nhìn thấy trăng tròn, sáng rõ nhất và ăn những món ăn cổ truyền. Theo phong tục, người dân bày bánh thành một mâm lớn, để trước thềm để vừa có thể ngắm trăng vừa thưởng thức.

Hàn Quốc – về quê thăm người thân

Tết Trung Thu ở “xứ củ sâm” có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn). Đây là lễ hội mừng vụ mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc. Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và uống rượu sindoju.

Tết Trung thu ở Hàn Quốc được coi như một lễ tạ ơn 

Vào ngày này, người Hàn thường sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.

Đây là dịp lễ lớn đối với người dân Hàn Quốc nên họ thường được nghỉ 3 ngày liên tiếp. Các nhãn hàng cũng tranh thủ cơ hội này để tổ chức những đợt giảm giá lớn trước Tết trung thu 1 tháng để kích thích người dân mua sắm.

Singapore – Trung thu là dịp để đi du lịch

Đây là dịp để cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện góc văn hóa giàu có và đa dạng của mình tại khu Chinatown với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Đối với họ, Trung thu là dịp để kết nối tình cảm, thể hiện lòng biết ơn. Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch, thư giãn tinh thần.

Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm

Malaysia và Lễ hội Bánh trung thu, lễ hội đèn lồng

Ở Malaysia ngoài lễ hội Bánh Trung thu (19-21/9) còn có lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9. Dịp này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng sặc sỡ. Đây là dịp để người dân Malaysia và du khách ra đường hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ.

Ngắm trăng, treo đèn lồng, thưởng thức bánh nướng là một tập quán truyền đời của người Hoa ở Malaysia vào dịp Trung thu

Người Hoa ở Malaysia thường ngắm trăng, treo đèn lồng và thưởng thức bánh nướng như một tập quán truyền đời vào dịp Trung thu. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa ở Kuala Lumpur còn tổ chức những hoạt động vô cùng náo nhiệt như: múa lân, rước đèn lồng cùng các biểu tượng Hằng Nga, chú Cuội,…

Campuchia ăn Tết Trung thu vào tháng 12 Phật lịch

Không giống nhiều quốc gia châu Á khác, người Campuchia không ăn mừng lễ Trung Thu vào tháng 8 âm lịch mà thực hiện vào giữa tháng 12 theo Phật Lịch của đất nước này.

Lễ hội này có tên là “Bái nguyệt tiết”, tức “Lễ hội vái lạy mặt trăng” để cầu nguyện phước lành đến với mọi người. Khi ánh trăng vừa nhô lên khỏi những tán cây, người dân nước này sẽ bái nguyệt với tất cả lòng thành của mình.

Lễ vật cúng trăng gồm có hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt và nước mía. Sau khi bái nguyệt xong, mọi người sẽ lấy gạo dẹt cho vào miệng trẻ con, đến khi nào không thể cho thêm được nữa mới thôi.

Người Campuchia quan niệm rằng việc làm đó sẽ cầu cho trẻ nhỏ được ăn uống khỏe mạnh, cuộc sống sung túc, viên mãn sau này.

Trung Quốc – Trung thu là Tết đoàn viên

Tết Trung Thu của Trung Quốc được tổ chức vào ngày 15/8 và được gọi với nhiều cái tên như Thu tiết, Bát Nguyệt tiết, Bát Nguyệt Hội, Nguyệt tiết… Người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp, đoàn viên của gia đình trong dịp Tết Trung Thu. Họ thường tổ chức múa rồng lửa để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng.

Giống như Việt Nam, bánh nướng và bánh dẻo chính là linh hồn của Trung thu ở Trung Quốc

Bánh nướng và bánh dẻo là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung Thu của người Trung Quốc. Bánh thường mang hình tròn tượng trung cho sự đoàn viên, viên mãn.

Việt Nam – Trung thu là lễ hội dành cho trẻ em 

Người Việt ăn mừng Trung thu và xem đó như là lễ hội dành cho trẻ em. Nét đặc trưng của Trung thu nước ta là sự náo nhiệt âm thanh trống, kèn cùng với những chiếc đèn lồng, ngôi sao lấp lánh dưới bầu trời dịu mát của những cơn gió nhẹ và ánh trăng sáng tỏ.

Vào ngày Tết Trung thu, người ta thường tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa rồng, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.

Đêm trung thu trẻ em được quây quần, phá cỗ trông trăng, ngắm chú Cuội, chị Hằng

Đêm Trung thu không chỉ là cơ hội cho các em nhỏ vui chơi, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo mà còn là cơ hội được nghe ông bà và cha mẹ của họ chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống đời thường, cũng như cách chuẩn bị một mâm cổ cho ngày Tết Trung thu.

Ngoài ra, cũng giống như Trung Quốc, người Việt ta cũng coi Trung thu là Tết đoàn viên. Vì thế, vào ngày này, ai đi xa cũng sẽ trở về đoàn tụ bên gia đình, người thân.

Phong tục trông trăng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng. Do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng cây đa. Ngày nay, người lớn vẫn thường kể với trẻ em rằng khi nhìn lên Mặt Trăng, sẽ thấy một vết đen hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc cây. Người ta tin rằng đó là hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Tổng hợp