Hình thể, không gian gian và cái nhìn ( bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình) P2

Hình thể, không gian gian và cái nhìn ( bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình) P2

Tác giả: GRAHAM COLLIER Biên dịch: Vương Tử Lâm Hiệu đính: Phạm Long

Tại sao chúng ta vẽ ( Phần 2)

Ngày nay, quan điểm cho rằng VẼ LÀ MỘT HÌNH THỨC TỰ NHIÊN CỦA SỰ TỰ BIỂU HIỆN đã được chấp nhận rộng rãi hơn nhiều so với thời đại của Leonardo [da Vinci]. Hệ thống giáo dục hiện đại đã mở ra nhiều cánh cửa cho mọi người; người ta có cơ hội nghiên cứu và thực hành nghệ thuật vẽ – vì ham thích và vì lợi nhuận. Cùng với sự bùng nổ thông tin từ hơn năm mươi năm qua, sách báo, radio, tivi, phim ảnh đã góp phần truyền bá “niềm tin” rằng nghệ thuật chính là sự trau dồi văn hoá. Đi đôi với thái độ dân chủ trong thời hiện đại – là xu hướng không xếp các tác phẩm nghệ thuật khởi nguyên và tràn đầy cảm hứng vào dòng chủ đạo, và nói chung có thái độ thoải mái hơn đối với những “tác phẩm” ít “tinh hoa” hơn – và phạm vi cùng khả năng được luyện tập hay thực hành một hình thức nghệ thuật này hay một hình thức nghệ thuật khác cũng ngày càng mở rộng hơn cho đông đảo công chúng. Hơn nữa, khi mọi người ngày càng có thêm thời gian rảnh rỗi thì càng có thêm nhiều người quay sang vẽ, sáng tác tranh hay làm điêu khắc như là một phương cách tự biểu hiện gần gũi và tự nhiên.

 

hoc ve 6

Hình 0-3Ruth Collier, 1957

Những hoàn cảnh như thế thật khác xa với thời kỳ Phục hưng ở nước Ý trước kia, khi các hoạ sỹ, điêu khắc gia hay kiến trúc sư đều là những thành viên của tầng lớp thượng lưu. Nghề nghiệp của họ được trân trọng vô cùng, còn thiên tài thì luôn được coi là một hiện tượng linh cảm thần thánh.
Thời nay, không cần phải là một thiên tài bạn vẫn có thể thử bắt tay vào làm nghệ thuật. Mọi người đều có thể thích thú vẽ vì lợi ích của chính nó – vì sự vui thích trong việc học được một điều gì đó về nó, và cũng vậy, theo Paul Klee, họ được trải nghiệm hoạt động thực hành đầy ma lực có thể cho phép người ta “làm chủ cuộc sống”. Chắc chắn không nhất thiết phải có kỹ năng và sự thấu hiểu của một thiên tài mới có thể gặt hái được những phần thưởng như vậy.
Như chúng ta đã biết, ngày nay, khả năng vẽ trở nên phổ thông hơn nhiều so với trước đây. Nếu không e ngại sự phát tiết tinh hoa bằng vẻ độc đáo và phẩm chất độc sáng rơi rớt lại từ những bậc thầy thời Phục hưng thì chẳng điều gì có thể ngăn cản chúng ta cầm bút mà vẽ một cách tự nhiên, nhờ đó, đôi lúc thoả mãn niềm mong ước được sống trong thế giới do óc tưởng tượng của mình sáng tạo ra.
Đến nay, theo như chúng ta biết, rằng mỗi người thợ săn của thời Đồ đá cũ có thể đã vẽ một hoặc hai hình vẽ. Chắc chắn trong những thời điểm nào đó hẳn đã có nhiều bàn tay tham gia vào việc tạo tác nên những hình ảnh thú vật tại những không gian hang động kì vĩ như thế. Và tất nhiên trong số các thợ săn đó có những người vẽ giỏi hơn hẳn những người khác. Tôi từng tự nhủ, trong những năm tháng xa xưa đó không biết đã có một Leonardo nào đặt chân tới những hang động này hay không? Dù sao chăng nữa, nếu có sự hiện diện của “ông” thì có lẽ cũng chẳng thể ngăn cản được các nghệ sỹ kiêm pháp sư kém tài hơn cố gắng thực hiện những pháp thuật riêng của họ [bằng cách vẽ lên vách hang những hình ảnh thú vật].
Bằng chứng thuyết phục nhất hiện nay có thể nhận thấy trong nghệ thuật của trẻ em minh chứng cho quan điểm rằng vẽ là một hoạt động tự nhiên của con người nhằm bộc lộ cá nhân. Thực tế là có rất nhiều trẻ em thích vẽ và vẽ chẳng mấy khó khăn – giống như các chú vịt con ưa ngụp lặn dưới làn nước vậy.
Trẻ em dùng que khi vẽ trên những bãi biển phẳng lừ đầy cát, dùng những mẩu đá nhọn để vẽ lên những tảng đá; khi vẽ trên vỉa hè chúng ưa dùng phấn, còn vào những ngày thứ bảy cuối tuần trong lúc tiết trời sắp có mưa thì chúng lại khoái dùng các ngón tay của mình để nguệch ngoạc vẽ lên tường hay trên những tờ giấy vương vãi trong phòng ăn hay gian bếp. Nhớ lại nỗi ham thích đọc tất tật các loại sách viết về hội họa trong thời thơ ấu, họa sỹ John Piper người Anh có lần đã nói với chút ghen tỵ rằng “Nghệ sỹ nhí là những đối thủ bẩm sinh của các nghệ sỹ trưởng thành”. Ông đã phát hiện thấy trong rất nhiều bức vẽ của trẻ em chứa đựng hai phẩm chất quan trọng: thẳng thắn và mạnh bạo; và chúng có một sức thuyết phục giàu trí tưởng tượng. Ngược lại, những bức vẽ của người lớn có thể xuất hịên với vẻ ngập ngừng, vất vả, chiết trung và tẻ ngắt. Chúng ta cứ ngắm bức vẽ của một em nhỏ 6 tuổi trong Hình 0-3 mà xem. Nó thật cởi mở, và khiến lòng ta dâng lên một cảm xúc thật tuyệt vời, như thể đang nhún nhảy trên chiếc ghế đệm ở nhà! Tất nhiên lúc đó đừng có ai nhận ra ta; vì thế mới có thể cảm nhận được bầu không khí phiêu lưu thầm kín riêng tư trong bức vẽ của Ruth. Thật khó hình dung về một bức vẽ phức tạp hơn của người lớn vừa sở hữu được phẩm chất ngây thơ mà lại bay bổng hân hoan truyền tải sự uyển chuyển thật dễ chịu – như thể ta đang được gieo mình xuống một chiếc nệm ghế đàn hồi và làm bật ra trong tâm trí ta sự ngạc nhiên cùng niềm hứng khởi kèm theo việc thoát khỏi lực hút trọng trường để có những giây phút bồng bềnh trong không trung. Trẻ em rất ít khi vướng bận với cái ý nghĩ rằng cần phải vẽ như thế nào. Những lo ngại về kỹ thuật hay ưu tư về sự tương xứng với các tiêu chí “có nghệ thuật” đã mặc định trước nói chung không ngăn được trẻ em hưởng thụ niềm vui sướng khi vẽ. Bởi thế, trẻ em có khuynh hướng vẽ một cách tự nhiên, trực giác; hành động vẽ trở thành phương cách để chúng định hình những trò vui có thực trong cuộc sống cũng như sự thích thú và cả những sợ hãi do trí tưởng tưởng của chúng sinh ra.

 

pau klee. lau dai va mat troi. 1928

Paulkle, Lâu đài và mặt trời, 1928

Khi lớn hơn – thường vào khoảng 12 tuổi – chúng ta có xu hướng trở nên vừa ngại ngần vừa có tâm lý tự phê phán trong lúc vẽ. Nhu cầu về mức độ chính xác “như chụp ảnh” trong khi diễn tả bằng hình vẽ đã choán lấy tâm trí ta, và sự thiếu hụt kỹ năng không thể chối cãi được đã hạn chế chúng ta dấn bước tiến xa hơn [vào con đường hội họa]. Tâm trạng cố hữu tại thời điểm này và vẫn tiếp tục tồn tại trong suốt cuộc đời của những con người trưởng thành, là “mình chắc gì đã vẽ nổi một đường thẳng”. Đây là sự day dứt rất kỳ quặc bởi lẽ khả năng vẽ đường thẳng chưa bao giờ được xem là cần thiết trong việc thực hành mỹ thuật. Nó hoàn toàn trái ngược với câu trả lời mà tôi nhận được từ một chú bé lên năm. Khi được hỏi “cháu đang làm gì thế?” thì cậu bé trả lời mà mắt vẫn không hề rời khỏi tờ giấy: “cháu viền lại ý nghĩ”. Tôi nhận thấy cậu cố giữ im lặng trong lúc vẽ; hoàn toàn mải mê với hình vẽ đang hiện dần lên. Phản ứng hết sức giản dị của cậu cho tôi một manh mối để hiểu vì sao trẻ em lại có thể vẽ hết sức tự nhiên mà chẳng cần quan tâm tới mức độ chính xác hoặc các tiêu chuẩn miêu tả của người lớn.
Đối với những đứa trẻ bình thường, vẽ là một hình thức nhận biết – một lối tạo hình bề ngoài, và nhờ vậy, làm sáng tỏ những dồn nén suy tư và cảm xúc mà chúng đã hấp thụ được với tâm trí còn non nớt. Tuy nhiên, càng trưởng thành chúng ta càng quay lưng lại với lối tự biểu đạt non tơ này – thói quen miêu tả bằng hình ảnh để củng cố thái độ, “sự hiểu biết” của chúng ta bằng thị giác; dần dần ngôn từ thống lĩnh, và rồi trở thành thứ ngôn ngữ chính quy của một nếp giáo dục “quy củ”.
Song chưa bao giờ tôi tin rằng thói quen thích vẽ hình thành ngay từ những năm tháng đầu đời của mỗi chúng ta sẽ bị lãng quên, sẽ bị mất đi, hoàn toàn và vĩnh viễn. Rất nhiều người trưởng thành vẫn luôn giữ trong lòng ký ức một thời ấu thơ trìu mến với những tháng ngày nghịch chơi cùng phấn màu, bút chì, hộp sơn, tờ giấy bên chiếc bàn trong căn bếp đã được lau sạch sẽ để sẵn sàng cho bọn trẻ bò ra vẽ vời.
Đừng quên điều ấy nhé mỗi khi bạn được yêu cầu thực hiện những bức vẽ về sau này. Bởi lẽ vẽ không nhất thiết là một hoạt động nhọc nhằn và đổi mới; nó phần nào vẫn là sự tiếp nối cái thú vui giải trí quen thuộc của tuổi thơ từng xuất hiện một cách rất tự nhiên và giúp cho trí tưởng tượng phần nào thỏa mãn trong cái thế giới phong phú của những hình vẽ do mình tạo ra.

hoc ve 7

Hình 0-4

Trong việc thực hành các bộ môn nghệ thuật thị giác thì VẼ HÌNH LÀ MỘT KỸ NĂNG QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU. Phát biểu này có lẽ là quá hiển nhiên. Xét cho cùng, sự ra đời của vô số các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc đều bắt đầu từ những hình vẽ, và các loại hình kiến trúc cũng phát triển từ những bản vẽ phác thảo ban đầu bằng tay. Nhưng theo tôi, vẽ hình có tầm quan trọng bậc nhất không chỉ vì nó thường là bước khởi đầu mà bởi vì nó còn là cách thức căn bản để tạo nên một hình ảnh thị giác. Khởi đầu bằng một tinh thần khám phá có thể giúp cho tác phẩm sẽ thấm đẫm một sinh lực sáng tạo nào đó – thứ phẩm chất đôi khi không hề hiện diện trong những tác phẩm nghệ thuật phức tạp và đòi hỏi một quá trình sáng tác lâu dài; những nhu cầu thể hiện [bị áp đặt] có thể sẽ bóp nghẹt cái tươi mới và sáng suốt của thời điểm khai bút đó. Những bức vẽ thuần khiết và giản dị lại thường gợi nỗi thích thú và hấp dẫn chúng ta bởi những lý do có thể tóm lược như sau:
a. Sự ghi dấu của những vết tích trên một bề mặt là cách thức tự nhiên và chủ yếu để bắt đầu bất kỳ một sự hình thành hình ảnh thị giác nào. Do vậy, những dấu vết càng được thể hiện trực tiếp và tức thời thì càng có sức thuyết phục.
b. Những hình vẽ như vậy tương ứng với bước đi đầu tiên trong công việc sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật; chúng là đầu cầu trực tiếp dẫn tới trung tâm sáng tạo – tới cội nguồn của óc tưởng tượng và cảm xúc sâu sắc, và như vậy, có thể chuyển tải cái tinh thần nguyên thủy hoặc mục đích tự nhiên của những nỗ lực nghệ thuật.
c. Một chức năng gắn liền với vẽ, đó là việc phải tìm ra và lột tả những “cốt lõi” cấu trúc của hình ảnh đang nổi dấu lên, lập nên những biển đồ chỉ dẫn mang tính tạo hình nhằm thể hiện rõ rệt sự sắp xếp của các bề mặt cụ thể trong những khoảng trống [cụ thể]. Do đó, vẽ là một hành vi có thể truyền cho hình ảnh một đặc tính minh bạch/sáng rõ xét về mặt thị giác – điều rất thường tương phản với sự tràn ngập các ấn tượng thị giác lộn xộn mà chúng ta vẫn trải qua trong cuộc sống hàng ngày.
Một trong những thí dụ tôi luôn thích dẫn ra để minh hoạ cho những phẩm chất mà chúng ta đang bàn luận, đó là bức Plum Blossoms (Cây mận trổ hoa) (Hình 0-4) được họa sư Tao-chi (Thạch Đào, 石涛 – ND) người Trung Hoa sáng tác vào thế kỷ thứ mười bảy. Dưới đây là những tiêu chí có thể liệt kê ra nếu lấy bức vẽ này làm minh chứng:
a. Biểu thị tạo hình có đặc điểm là trực tiếp và “đúng chỗ”. Chúng gây ấn tượng bằng sự thanh thoát và động tác dứt khoát, vì thế có sức thuyết phục hoàn toàn.
b. Ăm ắp trong tác phẩm một bầu không khí thật trữ tình. Tính sáng tạo toàn vẹn của nó bắt nguồn từ tâm hồn, vì thế, truyền đạt được cái tinh thần và mục đích cốt yếu của người nghệ sỹ.
c. Như một lối biểu lộ thông qua hình tượng; hình ảnh rất súc tích và sáng sủa về mặt thị giác. Sự thanh thoát, và cùng với nó, nhận thức về mối tương quan giữa các vị trí của hoa và tre trúc đã bộc lộ và sáng tỏ; sự vật vận động thật tự nhiên và nhịp nhàng, và do đó, hình thể không gian đã được tạo ra, qua đó cho thấy người nghệ sỹ đã trình bày được cái phần “cốt lõi” của bức vẽ; những phẩm chất tạo hình tinh tuý – những thứ nói lên được những điều cần nói một cách hiệu quả mà không buộc phải chất quá nhiều thứ lên bề mặt trang giấy, và do đó, làm mệt và rối mắt người xem.

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 4/2014)