Tác giả: GRAHAM COLLIER Biên dịch: Vương Tử Lâm Hiệu đính: Phạm Long
Phần 3: Tại sao chúng ta vẽ?
VẼ CÓ LẼ LÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỊNH DẠNG CUỐI CÙNG – và cũng là phương tiện đầu tiên. Phát biểu này không phải là một ý kiến ngược đời, cũng chẳng hạ thấp bất cứ điều gì mà chúng tôi đã đề cập tới khi nói về vai trò quan trọng hàng đầu của vẽ trong việc sắp xếp các sự vật trong sự vận động. Có nghĩa rằng một bức vẽ có thể đạt tới nhiều cấp độ sáng tạo. Bởi vì cho dù mọi bức vẽ đều là sự khởi đầu cho một quá trình hình thành [một tác phẩm] thì có những bức vẫn chỉ là những bài nghiên cứu để từ đó những hình ảnh đầy đủ hơn sẽ dần dần phát triển, trong khi đó có một số bức vẽ – ví dụ như bức Plum Blossoms – không những đại diện cho sự hình thành của một tác phẩm nghệ thuật mà còn đáp ứng được những tiêu chí của việc sáng tạo đã đạt tới độ hoàn thiện; chúng dường như vừa là biểu hiện của lời mở đầu mà cũng là lời kết cho sự hưởng ứng của người nghệ sỹ đối với những phấn khích đầu tiên.
Dĩ nhiên là còn tuỳ thuộc nhiều vào “tình trạng sáng tạo” của người nghệ sỹ – dẫu có thể chỉ đơn giản là một trong các thăm dò nhằm định hình ý tưởng và biểu lộ cảm xúc, hoặc đã vươn tới một trình độ trí tuệ đã hoàn toàn sẵn sàng về mặt nhận thức sáng tạo tới mức bức vẽ vừa có thể tạo ra chủ đề mà cũng đồng thời hoàn thành nó ngay lập tức. Hiếm khi một hình vẽ nghiên cứu của Leonardo da Vinci chỉ là nghiên cứu đơn thuần; mỗi hình vẽ độc lập [của ông] dù là một bức ghi chép trên trang giấy với mục đích tìm tòi song nói chung bản thân nó cũng đã hội đủ tính hoàn thiện về mặt nghệ thuật.
Leonardo da Vinci, Khảo họa về ngựa. Bút bạc trên giấy. Khoảng 1490
Đó có thể là dấu hiệu của thiên tài vì ngay cả những bức ký hoạ đơn giản nhất nói chung cũng khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng trong nghệ thuật, đi từ trình độ cơ bản của những bước đầu sáng tạo tới năng lực sáng tác những tác phẩm đạt tới mức độ sáng tạo hoàn chỉnh là cả một khoảng cách rất lớn. Một bức vẽ có thể nằm tại bất kỳ vị trí nào trên cung đường này; nó có thể hay hơn hoặc kém đi, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc người vẽ đã gửi gắm cảm xúc ra sao và làm chủ kỹ năng tới mức nào để có thể phối hợp lại trong khi dựng hình và thổi hồn vào bức họa, làm cho nó đạt tới sự đủ đầy. Nhà phê bình nghệ thuật Arthur Roessler từng viết về họa sỹ Gustav Klimt như sau: “Klimt đã hủy đi hàng ngàn bức vẽ … nếu chúng không truyền đạt nổi cái hiệu quả mong muốn trong hình hài súc tích nhất có thể”. Nếu đúng như vậy thì Klimt quả là quá nghiêm khắc đối với bản thân, bởi vì [xét về tay nghề] “ông thực sự là một bậc thánh họa” – theo như lời đồn đoán. Tuy nhiên, theo tôi thì đoạn chữ in nghiêng trên đây có lẽ cũng là một lời định nghĩa khá hay về một bức vẽ hoàn chỉnh mà rồi các bạn dần sẽ hiểu trong những phần tiếp nối sau đây.
Nói tóm lại, trong phần định hướng “Tại sao chúng ta vẽ” này, tôi đã cố gắng dàn cảnh để bạn đọc thấy được giá trị tự thân của vẽ, hình dung được đoạn đường mình sẽ đi tiếp trong các chương kế tiếp, và cũng bước đầu hiểu được lý do tại sao hành vi vẽ lại được người ta thường xuyên thực hiện như thể là một phương cách định hình nhận thức. Trong phần này, một vài nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với việc vẽ cũng đã được đề cập, những vấn đề quan trọng khác sẽ được lần lượt giới thiệu trong những phần tiếp theo. Tôi mong rằng với những thông tin ban đầu đó, bạn đọc sẽ dấn bước vào con đường hội họa một cách đầy tự tin và không sợ lạc lối. Tôi cũng hy vọng rằng bạn đọc đã bắt đầu hiểu được vẽ – với tư cách là một hoạt động thực hành – cần phải làm ra những sản phẩm thế nào, và bạn sẽ khởi động quá trình học vẽ [hay trải nghiệm hội họa] với một tinh thần hứng khởi nếu không nói là sẵn sàng phiêu lưu, khám phá.
Phần tóm lược sau đây sẽ giúp bạn đọc xem lại những cơ sở lập luận chủ chốt, củng cố năng lực phán đoán của mình (xin tham khảo thêm cuốn “Phê phán năng lực phán đoán” của Imanuel Kant, do NXB Trí Thức xuất bản – ND), để thêm lòng say mê đối với bộ môn nghệ thuật [vẽ] này. Từ đây về sau, sẽ không có chương nào khác trong cuốn sách này có phần tóm tắt, bởi vì mỗi chương dưới đây đều chỉ tập trung vào một khía cạnh riêng biệt của việc vẽ thay vì tiến hành cuộc “dạo quanh thế giới hội họa” như ở chương này.
Henry Moore, Cừu mẹ và con. Ký họa. 1972
Vào buổi ban sơ của loài người
Vẽ – một hoạt động sáng tạo tiên phong. Những hình vẽ và tranh vẽ thuộc thời kỳ Đồ đá cũ ra đời trước chữ viết ít nhất là hai mươi ngàn năm. Nhu cầu vẽ ra những hình ảnh phải được xem là xu hướng nảy sinh trước tiên khi con người muốn định hình hoặc mô tả sinh động những kinh nghiệm quan trọng của đời sống.
Vẽ – làm sáng tỏ nhận thức trực quan. Hình vẽ chú nai ở Lascaux thể hiện lòng say mê [đối tượng] qua cái nhìn của người thợ săn kiêm nghệ sỹ bậc thầy. Tư thế và thân thể của con vật được quan sát một cách sắc sảo, được diễn tả với sự tự tin rất lớn. Như vậy, hình vẽ đã trở thành một gạn lọc trải nghiệm thị giác – một cách phân tích và lưu giữ chính xác những gì đọng lại trong cái nhìn.
Vẽ – một hành động biểu thị cá nhân. Hình ảnh chú nai cũng là minh chứng cho thấy người nghệ sỹ hang động có nhu cầu biểu thị quyền năng và cảm xúc đối với muông thú thông qua việc tạo tác ra những hình ảnh của chúng.
Vẽ – một kỹ năng đã đạt tới trình độ cao ngay từ thời ban sơ. Kỹ năng vẽ không phải là một sản phẩm của sự khai hoá [như chúng ta vẫn thường quy chụp] mà có lẽ đó là một phẩm tính tự nhiên của các nghệ sỹ bậc thầy – chí ít cũng hiện hữu ngay từ buổi hồng hoang của con người, khoảng 15.000 năm trước Công nguyên.
Vẽ – một hành vi huyền bí. Trong những xã hội có sự đề cao nhất định đối với tư duy trực giác cũng như lý trí, niềm tin thực sự rằng tạo ra hình ảnh một sinh vật hoặc một người nào đó chính là thiết lập quyền năng sở hữu tâm linh, có nghĩa là tạo nên mối liên kết giữa đối tượng [thực] và hình ảnh [vẽ lại], nhờ đó người nghệ sỹ sáng tạo ra hình ảnh ấy sẽ nắm được và có quyền làm chủ đối với đối tượng được vẽ hình. Những hình vẽ trên đá và xương thời Đồ đá cũ hẳn là đáp ứng mục đích này, để bảo đảm những cuộc đi săn sẽ thành công, vì với hình hài đã được vẽ ra của chúng, con thú đã nằm trọn dưới quyền năng kiểm soát của người thợ săn – nghệ sỹ.
Alberto Giacometti, Chân dung. Ký họa chì, 1961
Vẽ như là một hành động ma thuật
Độ trường tồn của bức màn huyền bí. Mặc dầu ngày nay có lẽ ít người mặc nhiên tán thành niềm tin của con người thời Đồ đã cũ vào ma lực của sự đồng cảm như vậy [thông qua các hình vẽ], tuy nhiên một số chứng tích không thể bẻ gãy của thái độ tiền lôgic này đối với các đối tượng và hình ảnh vẫn luôn ám ảnh chúng ta – nhất là khi có sự liên quan nào đó tới những mối quan hệ quan trọng và sâu sắc hơn giữa chúng ta với những người khác. Một bức ảnh chụp ai đó được ta yêu thương rất có khả năng thiết lập nên mối liên kết rõ rệt giữa ta với người đó, cho dù về mặt thời gian đã không gặp nhau từ rất lâu và/hoặc cách xa nhau hàng vạn dặm về mặt địa lý.
Sự hấp dẫn tâm lý trong hành động vẽ của con người ngày hôm nay. Cho đến hôm nay, bức màn huyền bí cổ xưa vẫn còn đó, nhưng cũng đã có nhiều biến đổi đáng kể. Về cơ bản, vẽ vẫn là một phương tiện mà qua đó chúng ta có thể tham gia vào đời sống của các sự vật với một quyền lực nào đó – mặc dù có lẽ được thực thi phức tạp hơn cách mà người nghệ sỹ nguyên thuỷ đã làm, đã phải vật lộn chỉ để tồn tại. Giờ đây, tồn tại không còn là vấn đề, và chúng ta có thời gian dành cho tư duy và hưởng lạc, có đủ nhận thức rằng chúng ta đang để cuộc sống tuột đi nếu cứ mặc cho sự kiện này trôi theo sau sự kiện khác. Do đó, vẽ không chỉ là một phương cách định hình và củng cố kinh nghiệm thị giác bằng những hình ảnh hữu hình, mà đấy còn là hành động rút tỉa sự kiện ra khỏi dòng thời gian, cố định nó, qua đó chúng ta có thể làm chủ cuộc sống bằng cách ấn định cho các sự kiện có những ý nghĩa/giá trị quan trọng và vững bền [thông qua hình vẽ/hội họa].
Gustav Klimt, Khảo họa đầu mẫu nữ. Chì trên giấy. Khoảng 1901-1902
Vẽ như là một hình thức tự nhiên của sự tự biểu hiện.
Năng lực và khuynh hướng vẽ là bẩm sinh và phổ quát. Điều này thể hiện rất rõ trong lối tiếp cận mang tính trực giác của trẻ em đối với hoạt động vẽ/hội họa mỗi khi chúng có cơ hội. Trẻ em nói chung là những nghệ sỹ dạt dào cảm xúc. Chúng không bị hạn chế bởi những ưu tư về các “tiêu chuẩn chuyên nghiệp” hoặc sự do dự về “năng lực sáng tạo” của bản thân.
Những hình vẽ tự nhiên, không ngập ngừng, đầy khí lực và bộc trực. Tranh vẽ thiếu nhi là những ví dụ đặc biệt chính xác cho điều này. Quay sang với bút chì hay hộp màu để “thả ra” và định hình cho những ấn tượng đầy ăm ắp trong tâm trí mình có lẽ là hành vi rất đỗi bình thường và tự nhiên đối với nhiều đứa trẻ, chẳng khác gì như khi chúng tung tăng chơi đùa hay nhảy cẫng lên vì vui sướng.
Một hình tượng (vẽ) có giá trị bằng ngàn lời nói. Không nên nhầm lẫn giữa sự “hiểu biết” bằng ngôn từ với sự “hiểu biết” tạo hình, bằng hình ảnh. Các hình thể, bao gồm đường nét và dấu vết, đôi khi hàm chứa đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc hơn so với lời nói. Một nghệ sỹ nhi đồng về bản năng dường như rung cảm với việc bày tỏ [tâm tư] bằng hình ảnh hơn nhiều so với người trưởng thành.
Năng khiếu vẽ có trong mỗi người từ thuở ban đầu có thể không bao giờ mất đi hoàn toàn. Nếu như nhu cầu vẽ và thực hành có định hướng lúc nào cũng cần thiết, thì năng khiếu diễn đạt bằng hình vẽ của thời thơ ấu – để “viền lại ý nghĩ” – nhìn chung vẫn là một năng lực [tồn tại] của con người luôn được tái khám phá.
Vẽ … đi trước … và cũng về sau
Vẽ là xu hướng bày tỏ trực quan mang tính bản năng. Để lại dấu ấn trên một bề mặt thông qua đường nét, dấu tích và vết màu, chính là hành động đầu tiên mỗi khi con người muốn thể hiện một hình ảnh trực quan nào đó – tiến hành việc cụ thể hoá hình ảnh tạo hình.
Vẽ là đầu cầu bắc vào miền sáng tạo. Khi ta vẽ, những hạt giống đầu tiên của tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được gieo xuống, hay nói đúng hơn, đó là một quá trình mà nếu toàn tâm toàn ý với nó trong ta sẽ nảy nở những trạng thái tinh thần quan trọng nhất và/hoặc những tư duy giàu óc sáng tạo nhất.
Vẽ đáp ứng hai nhu cầu sáng tạo: Phác họa ra đề tài trực quan và rồi hoàn thành nó một cách trọn vẹn.
[Hết bài “Tại sao chúng ta vẽ”]
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 5/2014)